Trà: Thứ đồ uống quyền lực
1, Nguồn gốc của Trà
Quay ngược thời gian, các tư liệu sử học đầu tiên ghi nhận người Trung Quốc đã bắt đầu sử dụng Trà từ hàng ngàn năm trước. Trong cuốn Trà Kinh của Lục Vũ – Trà thánh đời nhà Đường, có chép nguồn gốc của Trà là từ xa xưa Thần Nông, một trong Tam Hoàng, người dạy con người cách trồng trọt, làm thuốc chữa bệnh. Trong một lần ông đi thử cỏ mới thì bị sập, may mà lúc đấy vớ được một loại lá thơm, có vị chát và nó giúp ông giải độc, loại lá đó chính là lá Trà. Câu chuyện nghe thì vô lý nhưng nó chứng minh được một điều, từ xa xưa người Trung Quốc đã biết lá Trà có tác dụng thanh nhiệt giải độc và sử dụng chúng như một loại thuốc bổ. Theo các nhà Sử học, Trà được người Trung Quốc biết đến vào đầu thời nhà Chu, vua nước Ba (Tứ Xuyên) cống nạp cho vua Chu bách thảo, trong đó có lá Trà. Tương truyền thời Xuân Thu, Lão Tử khi tiếp xúc với Trà cũng thốt lên rằng đây là thứ chất lỏng quý như ngọc, để rồi sau đó ông quên đi mọi phiền muộn mà viết nên quyển “Đạo Đức Kinh” cuốn sách có tầm ảnh hướng đến nền văn hóa Á Đông rất lớn suốt 2500 năm qua.
Nhưng có một sự thật là ban đầu người Trung Quốc không dùng Trà như một thức uống mà dùng để nấu ăn hoặc dùng để sắc làm thuốc. Lá Trà ban đầu cũng rất hiếm vì khi đó rất ít vùng ở Trung Quốc có thể trồng được loại cây này (để trồng Trà cần điều kiện thổ nhưỡng và thời tiết rất riêng biệt). Vùng đất Ba Thục (Tứ Xuyên) được ghi nhận là nơi đầu tiên phát hiện ra Trà ở Trung Quốc, và cũng là nơi duy nhất cung cấp Trà cho cả vùng Hoa Hạ thời kì đó. Đến đời Hán, người ta đã biết cách luộc lá Trà để lấy nước uống và nó nhanh chóng trở thành một món yêu thích của vua và quý tộc tuy vẫn chưa được coi là một loại đồ uống như bình thường rượu. Tương truyền, Hán Tuyên Đế thời Tây Hán là một người cực kì mê Trà, nhưng ông ta lại không thích vị đắng của nó, nên đã trồng riêng tại đỉnh núi Mông Sơn 蒙山 (Thành Đô, Tứ Xuyên) một loại trà chỉ có vị ngọt, người đời thường gọi loại Trà đó là Mông Đỉnh Cam Lộ 蒙顶甘露 phục vụ riêng cho Hoàng Đế. Và cho đến nay, đây vẫn là một giống Trà quý của Trung Quốc, ai đến Trung Quốc thì nên thử qua. Sau thời nhà Hán, Trung Quốc rơi vào thời kỳ nội chiến liên miên (thời Tam Quốc, Nam – Bắc triều), sự phát triển của Trà bị ảnh hưởng và phải đến thời kì thống nhất dưới nhà Tùy – Đường, Trà mới được trở lại.
Mạt Trà có từ đời nhà Đường
Trà trở thành thứ thức uống phổ biến bắt đầu ở thời nhà Đường vào thế kỉ thứ 6. Thời kì này người ta biết cách xử lí Trà bằng cách nấu lên và đóng thành bánh, khi sử dụng cần nghiền thành bột và đun với nước sôi, đây chính là Mạt Trà hay còn gọi là Matcha, cái tên mà ngày nay chinh phục tất cả các cô nàng. Cách làm này giúp Trà để được lâu hơn, qua đó giúp cho việc lưu thông và sử dụng trở nên rộng rãi hơn. Tuy nhiên, cũng phải đến khi Lục Vũ tập hợp tất cả các sử liệu, văn hóa uống Trà vào cuốn Trà Kinh, người Trung Quốc mới thực sự coi uống Trà là một nét văn hóa, với thành tựu ấy người đời coi Lục Vũ là Trà Thánh, sánh ngang với Khổng Tử, Tôn Tử. Người ta viết thơ cơ ngợi Trà, vẽ tranh về Trà. Sự thịnh vượng và sức ảnh hưởng của nhà Đường bắt đầu cho sự trao đổi của Trà, qua đó biến nó thành một thứ hàng hóa thương mại tuy chỉ ở quy mô nhỏ. Cũng trong thời gian này ở vùng Vân Nam xa xôi tồn tại một đất nước là Nam Chiếu, người ta phát hiện ra ở đây cũng trồng Trà. Do Nam Chiếu và nhà Đường là tử địch nên Trà từ vùng này chưa được du nhập sâu rộng.
Đến cuối thời Đường, đầu đời Tống, Mạt Trà nhường chỗ cho Trà khô, qua đó thay đổi hoàn toàn cách uống Trà và văn hóa thưởng Trà của người Trung Quốc, người ta không còn dùng bột trà hòa vào nước nữa, mà dùng lá Trà khô trần qua nước sôi, cách uống Trà này tồn tại cho đến ngày nay. Mạt Trà tuy tàn lụi ở Trung Quốc nhưng được nhà sư người Nhật là Eisen mang sang Nhật Bản từ đó hình thành nên văn hóa Trà đạo của người Nhật và tập trung vào Mạt Trà. Quay lại Trung Quốc, nhà Tống được coi là triều đại đỉnh cao của Nho học Trung Hoa nên sự gắn kết của Trà với Nho giáo ngày càng lớn hơn, sức ảnh hưởng của Nho giáo khiến mọi tầng lớp đều uống Trà, tính đại chúng của Trà ngày càng rộng hơn. Và một trong những nguyên nhân là lượng cung cấp Trà được nâng cao khi nước Đại Lý 大理 thay thế cho Nam Chiếu ở vùng Vân Nam và cung cấp một lượng lớn Trà cho Nhà Tống. Thị trường Trà bị rối loạn không nhỏ trong cuộc chinh phạt của người Mông Cổ vào thế kỉ 13, tuy nhiên khi nhà Nguyên của người Mông Cổ lên nắm quyền thì nước Đại Lý vẫn được giữ lãnh địa và được cung cấp Trà như cũ. Tuy rằng Trà có ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa và tôn giáo trong giai đoạn này, nhưng phải đến thế kỉ sau đó, Trà mới thực sự thể hiện quyền lực của mình.
2, Quyền lực của Trà
Khi nhà Minh lật đổ nhà Nguyên vào thế kỉ 14, họ cũng chiếm luôn nước Đại Lý, qua đó trở thành quốc gia độc quyền Trà. Cùng với đồ gốm và Lụa, Trà trở thành một trong hàng hóa thương mại quan trọng đem lại sự thịnh vượng cho nhà Minh. Thời kì này, người ta đã biết cách sao Trà (rang lá Trà) thay thế cho cách hun khói, qua đó sản lượng được nâng cao và bảo quản Trà cũng lâu hơn thích hợp cho việc buôn bán Trà. Vùng canh tác Trà cũng được mở rộng sang phía Đông như Hồ Nam, Phúc Kiến, Chiết Giang, Giang Tô … đặc biệt vùng Phúc Kiến nổi tiếng với thương hiệu Trà Ô Long. Người dùng Trà cũng biết cách ướp Trà trong hoa để có được mùi thơm lừng mà sau này chúng ta có thể gọi là Trà Nhài, Trà Liên hoa, … Lợi nhuận do Trà đem lợi lớn đến mức nhà Minh phải lập hẳn “Bộ Trà Mã” chỉ để quản lý việc kinh doanh Trà.
Trà Ô Long nổi tiếng ra đời
Sự kiện mang tính bước ngoạt diễn ra vào khoảng đầu thế kỉ 17, một con tàu của công ty Đông Ấn Hà Lan mang theo một lượng lớn Trà từ Trung Quốc cập cảng Amsterdam, và lần đầu tiên người châu Âu được tiếp xúc với thứ nguyện liệu được dùng làm đồ uống mà họ chỉ được nghe qua lời kể của những nhà thám hiểm như Marco Polo, Ramusio. Và nhanh chóng, cái thứ nước đắng đắng chát chát này chinh phục giới quý tộc ở châu Âu. Và thế là các nước châu Âu đổ xô đi buôn Trà. Trà du nhập vào Anh qua đường buôn lậu từ Amsterdam, Trà được bày bán ở các cửa hàng cà phê ở London. Tuy nhiên Trà trở nên phổ biến ở Anh là nhờ quận chúa người Bồ Đào Nha, Catherine of Braganza, một người rất mê Trà, bà chính là hôn thê của vua Charles II nước Anh, từ cái lúc bà mang Trà đến Hoàng gia, giới quý tộc Anh nhanh chóng bị Trà mê hoặc và từ đó một làn sóng uống Trà lan khắp nước Anh, người dân Anh cực kì yêu thích thứ đồ uống này, thậm chí còn tạo nên một nét văn hóa uống Trà lúc chiều của người Anh ngày nay. Thế là nước Anh muốn nhập nhiều Trà hơn, tình cờ Anh lúc đó là một cường quốc thương mại trên biển với công ty Đông Ấn và hải quân hùng mạnh, trong một thế kỷ tiếp theo họ trở thành thế lực thống trị thế giới. Với sức mạnh và tầm ảnh hưởng của Đế quốc Anh giúp Trà được biết đến khắp thế giới, từ những thành phố ở châu Âu cho đến Ấn Độ và thuộc địa ở Bắc Mỹ. Vào thời gian này Trà có giá đắt gấp 10 lần Cà phê, do sự độc quyền của Trung Quốc trong việc sản xuất và xuất khẩu Trà. Người Anh đến thế kỉ 19 còn chế tạo nên những con tàu Clipper dựa cải tiến trên mẫu tàu của người Mỹ với vận tốc nhanh nhất vào thời đó (tối đa 22 hải lý/ giờ) để có thể chở Trà từ Trung Quốc đến châu Âu trong thời gian nhanh nhất để tối đa lợi nhuận.
Tàu Clipper mang Trà từ Trung Quốc sang châu Âu
Thế kỉ 18, châu Âu diễn ra cuộc chiến tranh 7 năm giữa 2 siêu cường Anh và Pháp, mà kết thúc là thắng lợi của Anh. Tuy nhiên cuộc chiến làm cạn kiệt ngân khố nước Anh khiến họ phải đánh thuế nặng hơn ở các thuộc địa, đồng thời tăng giá Trà, một mặt hàng thương mại chủ lực của Anh, khiến cho giá Trà đã cao lại nay còn cao hơn. Và đương nhiên dân thuộc địa bất mãn rồi, và manh động nhất chính là thuộc địa ở Bắc Mỹ, và hành động khiến chiến tranh bắt đầu chính là khi họ đổ Trà xuống biển ở cảng Boston, hành động này lúc ấy không khác gì đổ cả tỉ đô la hay đổ vàng xuống biển. Điều này đương nhiên khiến người Anh tức điên và chiến tranh bùng nổ, nhưng cuối cùng thuộc địa Bắc Mỹ chiến thắng cùng sự ra đời của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Có thể nói Trà gián tiếp gây ra chiến tranh thuộc địa Bắc Mỹ và hình thành nên nước Mỹ ngày nay.
Chiến tranh thuộc địa Bắc Mỹ bắt đầu từ những thùng Trà
Sau khi mất Bắc Mỹ, nước Anh mất đi một nguồn lợi nhuận lớn trong khi đó châu Âu tiếp tục bước vào những cuộc chiến tranh trong thế kỉ 19, trong đó có chiến tranh Napoleon mà Anh là một trong nước trực tiếp tham chiến. Nước Anh cần phải nghĩ ra cách để tránh thất thoát và tăng lợi nhuận, một lần nữa Trà được sử dụng làm con bài chiến lược. Trước đây người Anh vẫn trả người Trung Quốc bằng tiền bạc để lấy Trà, tuy nhiên sau đó họ dùng thuốc phiện hay Nha phiến để đổi lấy Trà, cách này giúp người Anh tăng lợi nhuận gấp hàng trăm lần. Nha phiến là chất gây nghiện nên người Trung Quốc nhanh chóng trở thành những con nghiện và khiến sức khỏe giảm sút. Nhà Thanh nhận ra tác hại và bắt đầu nghiêm cấm dùng Nha phiến. Đỉnh điểm là quan tổng trấn Lâm Tắc Từ cho tiêu hủy Nha phiến ở Quảng Đông. Người Anh mang quân đội đến và thế là xảy ra cuộc chiến tranh Nha phiến với kết cục là sự thất bại của nhà Thanh, Hồng Kông được nhượng lại cho Anh cùng một khoản bồi thường và khiến cho nhà Thanh – Trung Quốc suy yếu trầm trọng trong suốt thể kỷ sau đó. Trà giúp người Trung Quốc giàu có nhưng cũng đẩy họ vào thảm cảnh .Chiến tranh Nha Phiến bùng phát cũng có nguyên nhân sâu xa là do Trà,Người Anh tiếp tục được đổi Nha phiến lấy Trà, nhưng với họ thế là chưa đủ, họ còn muốn tự trồng Trà chứ không chỉ mua từ người Trung Quốc nữa. Vậy nên họ bí mật cử nhà sinh vật học Robert Fortune đến các vùng trồng Trà ở Trung Quốc như Phúc Kiến, Quảng Đông, Giang Tô. Sau 2 năm, ông ta học được các kỹ thuật của người trồng và lấy đi các cây giống, sau đó các cây giống này được chuyển đến vùng Darjeeling (vùng núi Himalaya, Ấn Độ) thuộc địa của Anh. Từ đây vùng đất này, Trà được trồng và sản xuất với số lượng lớn hơn trước rất nhiều, và Trà trở thành thứ đồ uống phổ biến trên toàn thế giới.
Quyền lực của Trà suy giảm trong thế kỉ 20 khi nó không còn vị thế của một mặt hàng chiến lược như cái thời Trung Quốc hay Anh độc quyền nữa bởi giờ đây rất nhiều vùng trên thế giới trong đó có cả Việt Nam có vùng chuyên canh trồng Trà. Đồng thời cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật, người ta tạo ra được các thứ nước cạnh tranh với Trà như soda, nước trái cây. Thế nhưng vị thế của Trà được khôi phục bắt đầu từ cuối thế kỉ 20, đặc biệt khi Trung Quốc, Ấn Độ trỗi dậy, các nước có văn hóa uống Trà này nhanh chóng biến Trà thành một thứ văn hóa đại chúng với những lon Trà giải khát uống ngay thay cho Trà pha chế truyền thống. Trà Nhài, Trà Ô Long, Trà Xanh được biến hóa thành thứ đồ giải khát, giúp Trà cạnh tranh với Coca Cola hay Pepsi. Từ Đài Loan, người ta chế ra loại Trà Sữa Trân Châu chinh phục giới trẻ thế giới.
3, Lời kết
Từ quá khứ hào hùng, tạo nên những nét văn hóa uống Trà ở rất nhiều quốc gia trên thế giới đến sức mạnh chi phối thế giới, Trà dần len lỏi vào từng ngóc ngách của đời sống con người, hay cũng có thể Trà đã trở thành một phần của cuộc sống. Thật là quyền lực phải không?
* Bên lề:
Theo một thuyết khác của Phật giáo, Trà được Bồ Đề Đạt Ma đưa vào Trung Quốc từ Ấn Độ trong khoảng thế kỉ thứ 5 SCN. Để khẳng định giả thuyết này, các nhà khoa học đã tìm thấy các cây Trà dại mọc ở miền Bắc Ấn Độ. Tuy nhiên, có rất ít tư liệu chứng minh người Ấn Độ biết uống Trà từ thế kỉ thứ 5, cho nên giả thuyết Trà được du nhập vào Trung Quốc từ Ấn Độ bị nghi ngờ.
Với sự ảnh hưởng của gốm sứ đời nhà Minh, các bộ ấm Trà thời đó đều được làm bằng sứ (trước đây được làm bằng đất nung hoặc đồng), điều này tác động đến văn hóa uống Trà của các nước trong khu vực như Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên. Hệ quả là bây giờ mỗi nhà ở Việt Nam đều có một bộ ấm Trà sứ.
Tác giả: Sưu tầm internet
Nguồn tin: Thông tin sưu tập từ internet
Tags: #tradao, Nguongoccuatra
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn